Trong nhiều tuần qua, việc cách ly xã hội, hạn chế đi lại nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus corona đã tạo ra những biến động lớn về kinh tế toàn cầu. Vậy đại dịch này có tác động như thế nào đến thị trường bất động sản? Hãy cùng đến với góc nhìn của chuyên gia bất động sản Brian Icenhower (người sáng lập ICC, một trong những công ty tư vấn và huấn luyện bất động sản lớn nhất ở Bắc Mỹ) về tình hình thị trường bất động sản ở Mỹ giữa đại dịch.
Đại dịch COVID-19 đã làm cho nền kinh tế Mỹ điêu đứng. Từ tháng 2-2020, tình hình thị trường chứng khoán của Mỹ giảm mạnh với số lượng lớn và nhanh với tốc độ chưa từng thấy kể từ khủng hoảng năm 2008. Có thời điểm chỉ số DJ đã giảm xuống đến mức 12%, nếu con số này chạm mức 20%, thị trường sẽ đi vào vùng “suy thoái”.
Đến nay, vẫn chưa có đánh giá cụ thể nào về tác động của dịch COVID-19 tới ngành bất động sản của Mỹ. Tuy nhiên theo Brian Icenhower, thị trường bất động sản Mỹ nói chung ít bị ảnh hưởng lớn bởi đại dịch, ngược lại đại dịch này sẽ mang đến một tín hiệu tốt cho thị trường bất động sản quốc gia này.
Có 2 yếu tố kinh tế rất quan trọng trong kiểm soát thị trường bất động sản là CUNG và CẦU. Quy tắc cơ bản của thị trường bất động sản là: nếu có quá nhiều hàng tồn kho hoặc nguồn cung nhà ở mà không đủ nhu cầu, thì giá cả hoặc giá trị nhà ở sẽ đi xuống.
Khác với cuộc Đại khủng hoảng những năm 1930, trong cuộc Suy thoái kinh tế 2006-2008, cung vượt cầu không xảy ra ở quy mô lớn. Quan sát biểu đồ của Cục điều tra dân số Mỹ, bạn sẽ thấy các trường hợp giá nhà đất bị giảm ở Mỹ trong 60 năm qua. Các khu vực bóng mờ màu xám là đại diện cho cuộc suy thoái kinh tế của Mỹ.
Số liệu báo cáo mới nhất của Cục điều tra dân số Mỹ.
Từ số liệu biểu đồ, có thể nhận ra rằng giá nhà đất chưa bao giờ giảm trong các thời kỳ suy thoái. Đó là kết quả của việc các nhà đầu tư chuyển vốn từ thị trường chứng khoán sang bất động sản. Có một mối quan hệ tương quan ngược chiều tồn tại ở đây, nếu thị trường chứng khoán giảm thì thị trường bất động sản sẽ được cải thiện. Khi các cuộc suy thoái kinh tế nổ ra, nhà đầu tư chuyển vốn từ thị trường chứng khoán sang bất động sản, chính sự thay đổi vốn này làm tăng nhu cầu người mua và tăng giá trị nhà.
Việc cắt giảm lãi suất của Cục dự trữ Liên Bang (FED) cũng là một trong những lý do quan trọng khiến thị trường nhà đất phát triển mạnh mẽ trong thời kỳ khủng hoảng. Động thái của FED sẽ góp phần ngăn chặn sự sụt giảm đà tăng trưởng kinh tế cũng như sự sụt giảm của chỉ số chứng khoán và vốn hóa trên thị trường. Đây là tín hiệu tích cực cho thị trường bất động sản khi lãi suất cho vay vốn mua nhà sẽ giảm tương ứng.
Ngày 11-9-2001, quân khủng bố tấn công tòa tháp đôi gây ra một thảm họa khó quên trong lịch sử nước Mỹ. Vào thời điểm đó, nền kinh tế Mỹ hứng chịu một “nỗi đau” nặng nề. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm gần 700 điểm, thị trường chứng khoán Mỹ đóng cửa 4 ngày ngay sau khi cuộc khủng bố nổ ra. Tháng 10-2001, FED đã cắt giảm lãi suất xuống mức thấp lịch sử, tạo ra một sự kích thích cho nền kinh tế. Sau khi FED ra chính sách, vào các năm 2002, 2003, 2004 thị trường nhà ở đã bùng nổ ở Mỹ. Biểu đồ cũng cho thấy các năm từ 2002-2005 giá trị bất động sản có những đột biến nhanh nhất và dốc từ trước đến nay.
Từ bằng chứng lịch sử cho thấy, khi FED bắt đầu kích thích nền kinh tế sau khủng hoảng bằng cách cắt giảm lãi suất đã tạo ra những tác động có lợi cho ngành bất động sản. Hiện tại, điều tương tự cũng đang diễn ra. Giữa lúc đại dịch COVID-19 lan rộng trên toàn cầu, tháng 3-2020, FED đã cắt giảm lãi suất xuống biên độ 0-0,25%. Lãi suất giảm sẽ thúc đẩy đầu tư vào bất động sản, với đà này, thị trường bất động sản sẽ bắt đầu "nóng" lên từng ngày.
Trong nhiều thập kỷ, bất động sản đã được coi là một khoản đầu tư cực kỳ an toàn, đó là lý do tại sao rất nhiều nhà đầu tư sẽ chuyển dòng tiền vào bất động sản trong thời kỳ hỗn loạn. Có 2 yếu tố cần xem xét liên quan đến sự thay đổi của thị trường bất động sản sau cuộc Đại suy thoái (2007-2009) và sắp tới là đại dịch COVID-19:
(1) Chính phủ liên bang rất giỏi trong việc đưa ra các chính sách kích thích nền kinh tế và có thể thu hút được nhiều sự quan tâm.
(2) Nếu như những năm 2006, 2007, bất động sản Mỹ thừa nguồn cung nhà ở thì ở thời điểm hiện tại, năm 2020, hầu hết nguồn cung nhà ở đã cạn dần. Tình trạng nhà ở tồn kho ở mức thấp nhất trong lịch sử nước Mỹ. Ở một số khu vực, hàng tồn kho nhà ở còn từ 1 - 2 tháng. Điều đó có nghĩa là nếu không có nhà ở mới nào được rao bán, hàng tồn kho hiện tại sẽ được bán hết trong vòng 1 - 2 tháng và sẽ còn không còn nguồn cung.
Sự kiện ngày 11-9 hay các cuộc suy thoái không phải là thảm họa quốc gia mà nó chỉ như một thời điểm đứt quãng ngoài kia. Kịch bản vẫn vậy, Cục dự trữ Liên bang lại cắt giảm lãi suất, có chăng sự khác biệt bây giờ là nguồn cung.
Giá nhà ở Mỹ sẽ tiếp tăng cao khi nguồn cung ngày càng khan hiếm.
Vì vậy, có thể nói, đại dịch lần này đã tạo nên một cơn bão hoàn hảo. Lãi suất đã được giảm xuống mức thấp lịch sử, đẩy nhu cầu lên mức cao nhất từ trước đến nay, nhưng nguồn cung nhà ở lại thấp nhất trong lịch sử. Điều đó cho thấy, có một thị trường bất động sản sẵn sàng tăng giá cao hơn bất kỳ thời điểm nào khác trong lịch sử, và không thể có một thời điểm nào tốt hơn để thực hiện các động thái bất động sản bằng lúc này.
Trong những tháng tới, tại Mỹ sẽ ngày càng có nhiều ca xét nghiệm virus corona, tỷ lệ người mắc bệnh sẽ tăng lên, kéo theo tỷ lệ cách ly, tỷ lệ tử vong cũng sẽ tăng lên… Khi những con số đó được lan truyền trên TV và phương tiện truyền thông xã hội, chính nó sẽ tạo ra "NỖI SỢ HÃI". Là một môi giới bất động sản, bạn không chỉ tham gia vào cuộc chơi cung – cầu nhà đất mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc xua tan nỗi sợ hãi đang hiện hữu ngoài kia.
Tại thời điểm này, việc quan trọng không chỉ là PHÒNG CHỐNG DỊCH mà còn là góp phần dập tắt sự bất ổn kinh tế, phục vụ khách hàng và tạo điều kiện cho các khoản đầu tư vào bất động sản. Hãy giúp mọi người hiểu sự vận hành của nền kinh tế và thị trường bất động sản thông qua giáo dục, cung cấp các tài liệu cũng như thông tin cần thiết. Hãy cho họ biết rằng, ngành bất động sản chưa bao giờ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi suy thoái kinh tế bắt nguồn từ thị trường chứng khoán.
Theo góc nhìn của chuyên gia bất động sản Brian Icenhower, làm như vậy sẽ mang lại cho mọi người hi vọng, và việc mang lại hy vọng đó thực sự giúp làm dịu xã hội, giảm bớt các vấn đề về đại dịch này. Tóm lại, hãy đảm bảo an toàn, sống tích cực và thông báo cho mọi người về những dấu hiệu tích cực của thị trường bất động sản mà chúng ta nhìn thấy.
Bạn vừa xem qua những phân tích về tác động của đại dịch COVID-19 đến thị trường bất động sản của chuyên gia Brian Icenhower. Hy vọng bài viết này sẽ giúp ích cho sự nghiệp môi giới của bạn. Để có thể hiểu thêm về bất động sản và nghề môi giới, mời bạn tham khảo tài liệu dưới đây.
Xem thêm: |