Khả năng bị đào thải cao, áp lực công việc lớn nhưng việc làm bất động sản vẫn có sức hút đối với người trẻ. Nhiều người trong cuộc cho biết, nếu bạn gắn bó với một công ty bất động sản nào đó hơn 1 năm, thì khả năng bạn sẽ làm môi giới lâu dài, còn nếu không thể vượt qua được 6 tháng đầu tiên (ở nhiều công ty) thì nên xem lại bản thân có phù hợp với nghề hay không.
Một thống kê khác nói rằng, có đến 80% nhân sự môi giới bất động sản sẽ chọn một công ty khác chỉ sau một năm làm việc. Vậy làm thế nào để một môi giới có thể hòa nhập và làm việc tốt ở một công ty? Hãy cùng theo dõi bài viết “Những lưu ý cần nhớ khi làm việc tại các công ty bất động sản” để biết rõ.
Nếu theo đuổi việc làm bất động sản, hãy nhớ những nguyên tắc này:
(1) Luôn hiểu đúng về nghề môi giới bất động sản. Bạn là chuyên viên môi giới – một nghề chân chính, được xã hội công nhận – không phải “cò nhà, cò đất”. Vai trò của bạn là cầu nối giữa chủ đầu tư và khách hàng. Công ty cần bạn giúp họ tìm kiếm khách hàng và khách hàng cần bạn để có thể lựa chọn được một sản phẩm ưng ý, phù hợp với nhu cầu.
(2) Trước khi bắt đầu làm việc ở một công ty, hãy tìm hiểu kỹ về công ty và sản phẩm họ đang phân phối. Pháp lý minh bạch và rõ ràng là điều cần phải lưu ý trước hết.
(3) Môi giới là những người sống bằng hoa hồng! Đừng kỳ vọng quá cao vào mức lương cứng mà bạn sẽ nhận được.
(4) Ngoại hình là yếu tố rất quan trọng đối với chuyên viên bất động sản. Bạn không cần quá đẹp, không cần khoác lên mình những bộ quần áo đắt tiền nhưng ít nhất phải luôn chỉnh chu, có phong cách đĩnh đạc để tạo sự tin tưởng với khách hàng.
(5) Khả năng ăn nói lưu loát, kỹ năng mềm và kiến thức chuyên môn là những yếu tố kiến tạo nên một nhà môi giới thành công.
(6) Việc làm bất động sản không yêu cầu bằng cấp, nhưng hãy nhớ rằng: môi giới bất động sản là nghề luôn được mở rộng tuyển dụng quanh năm. Đầu vào dễ dàng không có nghĩa là bạn có thể trụ lại lâu dài nếu không kiên trì và chăm chỉ.
Dù trước đó bạn đã là môi giới, đã từng làm việc ở rất nhiều công ty, hay đã có kinh nghiệm nhiều năm trong nghề đi chăng nữa thì khi bắt đầu làm việc tại một công ty bất động sản mới, cảm giác vẫn sẽ như “ngày đầu đến trường”. Vậy nên, dành thời gian tìm hiểu về công ty là việc quan trọng đầu tiên cần phải làm. Nắm rõ văn hóa, mục tiêu, tầm nhìn, sứ mệnh của công ty sẽ giúp bạn dễ dàng nắm bắt công việc và hòa nhập hơn.
Làm nghề gì cũng cần phải có đồng đội, ngoài việc hỗ trợ nhau ra thì còn là sự liên kết trong giao thương sau này. Vì vậy, hãy tạo những mối quan hệ ngoại giao tốt đẹp, thiện cảm với đồng nghiệp.
Đồng nghiệp là mối quan hệ rất cần thiết cho môi giới bất động sản.
Tùy vào phong cách làm việc, mỗi công ty sẽ có sự phân chia các nhóm kinh doanh và phân bổ môi giới. Thông qua việc tìm hiểu cách thức các môi giới làm việc, tương tác cũng như hoạt động của các bộ phận, bạn sẽ có cái nhìn tổng thể về cách thức công ty hoạt động. Về sau, khi đã được phân dự án phụ trách, việc bạn am hiểu về công ty sẽ giúp cho quá trình yêu cầu hỗ trợ, hỏi thêm thông tin hồ sợ, dự án, khách hàng… trơn tru hơn.
Lời khuyên: nên lưu từ 5-10 số điện thoại của đồng nghiệp hoặc trưởng nhóm để dễ kết nối (nếu cần) sau này. Hãy xây dựng hình tượng một môi giới năng nổ cho bản thân nhưng phải khéo léo, đừng tỏ ra quá nổi trội. Ông bà ta có câu “nhập gia tùy tục”, nên việc tự biến bản thân thành "trung tâm vũ trụ" sẽ gây mất thiện cảm với đồng nghiệp.
Là một chuyên viên môi giới, bạn sẽ khó thuyết phục ai đó mua hàng, nếu ngay cả bản thân cũng không thật sự rành rọt về sản phẩm mình đang bán. Cho nên, tập trung nghiên cứu các dự án và các sản phẩm công ty đang phân phối là điều hết sức cần thiết.
Hiểu rõ dự án là yếu tố quan trọng giúp môi giới bán hàng thành công.
Lời khuyên: Trước hết, môi giới cần nắm các dự án mà mình được quyền bán. Bởi vì một số doanh nghiệp sẽ phân chia các dự án cho nhân viên, nếu cảm thấy quá sức khi phải tìm hiểu tất cả các dự án của công ty, thì hãy tìm hiểu dự án mình được giao bán trước.
Ngoài ra, để có khách thì cần phải Marketing giỏi, nhưng để chốt khách hàng được hay không thì cần nắm pháp lý dự án thật chắc. Khách hàng sẽ đặc biệt quan tâm đến pháp lý trước khi quyết định mua một sản phẩm bất động sản: dự án căn hộ đã có biên bản nghiệm thu xây dựng xong phần móng chưa? Dự án được Sở xây dựng cho phép bán hàng chưa? Dự án đã được bảo lãnh ngân hàng chưa? Mua nhà/ đất dự án này có được vay vốn ngân hàng không?
Phát triển bản thân là mục tiêu đáng giá nhất trong sự nghiệp của người môi giới. Một trong những cách hay nhất để phát triển bản thân là ở cạnh người có thể cho bạn nhiều kỹ năng, kiến thức chuyên môn và cơ hội nghề nghiệp. Doanh nghiệp bất động sản là nơi hội tụ rất nhiều môi giới thành công với mức thu nhập đáng mơ ước. Hãy tìm hiểu xem những ai thuộc dạng “suprer sale”, “best saler”, những người “gạo cội” nắm giữ nhiều tuyệt chiêu trong nghề, và hãy chứng tỏ bản thân là người cởi mở, ham học hỏi.
Cách hay nhất để môi giới bất động sản phát triển bản thân là tìm được người hỗ trợ.
Có 2 điều môi giới cần lưu ý trong quá trình tìm người hỗ trợ.
Một là: sự khắc nghiệt và tính cạnh tranh cao của nghề môi giới có thể khiến cho “người hỗ trợ” tương lai dè dặt việc chia sẻ kinh nghiệm và kỹ năng. Tuy nhiên, nếu bạn biết cách thì mọi thứ sẽ không quá khó khăn. Tạo cho mình một cơ hội bằng cách gửi lời đề nghị về một bữa cơm, một ly cà phê hoặc một cái hẹn nào đó… và tận dụng thời cơ để học hỏi.
Hai là: những người thành công không bao giờ rập khuôn người khác. Học hỏi được là một chuyện, nhưng bạn sẽ khó đạt được một kết quả vượt bậc nếu làm kiểu sao chép mà không đổi mới, sáng tạo. Vì thế, hãy bức phá và hoạt động độc lập để phát triển nhanh hơn.
Ban đầu, nếu chưa cảm thấy đủ tự tin, bạn có thể nhờ người hỗ trợ giúp đỡ trong việc chốt giao dịch, nhưng nhớ, đừng lạm dụng trong một thời gian dài.
Bất kỳ doanh nghiệp bất động sản nào cũng có chi phí dành cho việc đào tạo và nâng cao kỹ năng của chuyên viên môi giới. Các khóa đào tạo là nơi bạn có thể được cung cấp kiến thức chuyên môn, thông tin dự án, các kịch bản bán hàng, đàm phán và thương lượng…
Đồng thời đây cũng là khoảng thời gian mà một môi giới mới có thể hỏi và được giải đáp các vấn đề xoay quanh công việc. Do đó, hãy tham gia đầy đủ và tận dụng nó để vun bồi vốn kỹ năng cho bản thân.
Không chỉ riêng việc làm bất động sản mà bất cứ vị trí công việc nào cũng vậy, khi đã là nhân viên trong một doanh nghiệp, thì tuân thủ kỷ luật là điều bắt buộc phải thực hiện.
Tác phong chuyên nghiệp sẽ giúp môi giới gây ấn tượng với khách hàng.
Tuân thủ nguyên tắc về tác phong và đồng phục của công ty: người đối diện sẽ đánh giá bạn trong vòng 7 giây đầu tiên gặp gỡ. Những người không thể hiện tác phong gọn gàng, chỉnh tề thường cũng sẽ bị đánh giá thấp trên phương diện công việc. Chính vì vậy, hãy tạo cho mình một vẻ ngoài chỉnh chu để được đánh giá chuyên nghiệp hơn, gia tăng sự tin tưởng của khách hàng.
Tôn trọng thời gian: tránh trễ giờ trong bất cứ cuộc hẹn nào như: gọi điện cho khách hàng, họp với đồng nghiệp hoặc cấp trên, hay tất cả các công việc đã được lên kế hoạch khác. Sự chậm trễ chưa bao giờ được đánh giá cao nơi công sở.
Tôn trọng tập thể: loại bỏ chủ nghĩa cá nhân, hướng về một mục tiêu chu và cùng phấn đấu để tìm kiếm sự thành công trong công việc.
“Nếu muốn đi nhanh hãy đi một mình, nếu muốn đi xa hãy đi cùng nhau”
Một môi trường làm việc thoải mái có thể giúp môi giới gắn bó dài lâu hơn với công ty và với nghề.
Ngoài giờ làm việc, hãy tận dụng các hoạt động sau khi tan ca như: thể thao, ăn uống… để kết thân với đồng nghiệp. Đối với nghề môi giới, độ rộng của mạng lưới quan hệ tỷ lệ thuận với số dư tài khoản. Nếu bạn muốn nhận được sự giới thiệu hoặc hỗ trợ từ đồng nghiệp, không bao giờ là quá sớm để “qua lại” với họ.
Môi giới bất động sản là nghề rất áp lực vì không phải lúc nào bạn dày công đầu tư thuyết phục khách hàng là bạn sẽ thành công. Theo thống kê, phải mất từ 2-4 tháng để một môi giới có thể chốt được giao dịch đầu tiên. Thậm chí, có người hàng năm trời vẫn chưa có được một giao dịch nào. Vậy nên, đừng vội từ bỏ, hãy phấn đấu, ngay cả khi đồng đội đã có giao dịch mà bản thân bạn gặt hái được.
Mặt khác, khi làm việc ở một công ty, cấp trên sẽ không thể nào hỗ trợ xuyên suốt cho tất cả các nhân viên, mà chỉ có thể kèm cặp trong một khoảng thời gian nhất định. Đừng vội nản, đừng vì điều này mà cảm thấy mình bị mất động lực hay bị bỏ rơi… Môi giới thành công luôn biết cách “tự lực cánh sinh”, hãy học hỏi và trải nghiệm thật nhiều, thành công bằng chính đôi chân của mình thì nhanh hay chậm không còn quan trọng nữa.
Bạn vừa theo dõi bài viết "Những lưu ý cần nhớ khi làm việc tại các công ty bất động sản", để tìm hiểu thêm về nghề môi giới, mời bạn tham khảo tài liệu sau:
Phi Yến (BT)